TUỔI TRẺ NGÀNH XÂY DỰNG ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG
(Xây dựng) – Sáng 27/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị khoa học cán bộ trẻ lần thứ XVI. Đây là một hoạt động truyền thống được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là sân chơi để các cán bộ trẻ trao đổi kinh nghiệm, khẳng định mình trên con đường nghiên cứu khoa học.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng biểu dương nỗ lực của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng trong việc phối hợp, tổ chức Hội nghị khoa học cán bộ trẻ lần thứ XVI cũng như những năm trước đó. Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị đã tạo ra diễn đàn thiết thực cho các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu các kết quả nghiên cứu cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế xây dựng. Từ đó góp phần khơi dậy, phát huy niềm đam mê nghiên cứu của các cán bộ trẻ ngành Xây dựng, giúp các em không ngừng học hỏi, tiến bộ, vươn lên làm chủ lĩnh vực khoa học công nghệ xây dựng.
Năm 2021 mặc dù các mặt hoạt động của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên Hội nghị đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của cán bộ trẻ đang công tác tại IBST và nhiều đơn vị như: Học viện Kỹ thuật quân sự, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Mỏ – Địa chất, trường Đại học Quy Nhơn, Công ty TNHH Artelia Việt Nam… Với các bài viết trong các lĩnh vực kiến trúc, địa kỹ thuật, kết cấu công trình, vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khác.
Tuyển tập báo cáo của Hội nghị gồm 69 bài báo khoa học của hơn 100 tác giả, được chia làm 3 phần: Phần 1: Tiểu ban 1: Bê tông – Vật liệu xây dựng – Các lĩnh vực khác; Phần 2: Tiểu ban 2: Kết cấu – Công nghệ xây dựng; Phần 3: Tiểu ban 3: Địa kỹ thuật – Trắc địa công trình. Ban Khoa học Hội nghị đã chọn ra 15 báo cáo được trình bày tại 3 tiểu ban để xem xét và đánh giá.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chia sẻ: Hội nghị cán bộ trẻ lần thứ XVI Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng tổ chức, có kêu gọi các bài viết từ các tổ chức nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện, trên khắp mọi miền đất nước. Những bài viết tham gia tại Hội nghị đã có những đóng góp nhất định cho lĩnh vực xây dựng và đặc biệt là giải quyết được những vấn đề bức xúc cho lĩnh vực xây dựng hiện nay. Đơn cử như: các xói lở trên sông Hồng bao gồm cách thức đánh giá nó và cách thức chống rủi ro xói lở; các vấn đề liên quan đến độ tin cậy, độ chịu lực của cọc, mà trong đó là những vấn đề thực tế xây dựng đang rất cần. Ngoài ra, các vấn đề liên quan nổi cộm về cháy và các sản phẩm chịu lực, các kết cấu tiếp xúc với lửa… những vấn đề đó các bạn trẻ đang tập trung nghiên cứu, có đóng góp rất lớn trong lĩnh vực này. Với Hội nghị cán bộ khoa học trẻ lần này, chúng tôi thấy rằng các bạn trẻ có cái nhìn rất mới, đã có liên hệ nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài trong thời kỳ công nghệ phát triển. Cho nên đây là điểm mới so với Hội nghị trước đó.
Cũng tại Hội nghị, Bí thư Đoàn Bộ Xây dựng Bùi Chí Hiếu cho biết: Tiếp tục chào mừng chương trình thành công của Đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2022-2027. Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng trong công tác nghiên cứu khoa học trẻ. Nghiên cứu khoa học trẻ được diễn ra thường niên 2 năm 1 lần và đây là lần thứ 16 có sự phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng. Hội nghị là diễn đàn thiết thực và hữu ích để các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu các kết quả nghiên cứu cũng như những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế.
Ngay sau Lễ khai mạc, 15 cán bộ trẻ được phân về ba tiểu ban: Bê tông – vật liệu xây dựng – các lĩnh vực xây dựng khác; Kết cấu – công nghệ xây dựng và Địa kỹ thuật – trắc địa công trình để trình bày báo cáo khoa học.
Sau hơn 3 tiếng báo cáo, trình bày và đánh giá, với sự làm việc nhiệt tình của Ban tổ chức và các tiểu ban. Hội thảo đã tìm ra được những cán bộ trẻ xuất sắc nhất để trao giải.
Giải thưởng dành cho tác giả có triển vọng nhất thuộc về nhóm tác giả: ThS. Đoàn Thị Thu Lương, ThS. Lê Thuận An, KS. Đặng Đức Trung – Viện chuyên ngành Bê tông (IBST) với nội dung “Ảnh hưởng của tốc độ đùn ép đến tính chất của tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép”.
02 Giải Khuyến khích dành cho tập thể có nhiều bài báo tham gia đạt chất lượng thuộc về Viện chuyên ngành Bê tông và Viện Chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng của IBST.
02 Giải khuyến khích dành cho bài báo có tính ứng dụng và áp dụng hiệu quả thuộc về bài báo “Nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước mẫu khoan đến cường độ chịu kéo khi bửa của bê tông” của Kỹ sư Phan Công Hậu – Viện chuyên ngành Bê tông (IBST); tác giả có ý tưởng hay nhất thuộc về nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Hoài Nam, ThS. Nguyễn Xuân Long, ThS. Nguyễn Văn Hùng – Trung tâm Tư vấn Trắc địa và Xây dựng (IBST) với nội dung “Ứng dụng công nghệ 3D LASER SCANNER trong các dự án quan trắc kiểm định bồn chứa xăng dầu”.
03 giải Ba thuộc về TS. Tăng Văn Lâm – trường Đại học Mỏ – Địa chất với bài báo “Nghiên cứu chế tạo bê tông cường độ cao hạt mịn không xi măng sử dụng hỗn hợp tro bay nhiệt điện và xỉ lò cao hoạt tính” và “Nghiên cứu giải pháp thử nghiệm đốt để xác định khả năng chịu lửa của các cấu kiện, bộ phận chịu tác động của đám cháy hydrocacbon” của nhóm tác giả ThS. Hà Văn Hạnh, ThS. Nguyễn Viết Sơn, ThS. Thành Hữu Hồng Giang – Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình Xây dựng (IBST); “Nghiên cứu mô hình vật liệu trong LS-DYNA của xốp cứng không phục hồi chịu tải trọng nổ thông qua dữ liệu thực nghiệm” của các tác giả: ThS. Nguyễn Công Nghị, TS. Lê Anh Tuấn, ThS. Đinh Quang Trung – Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Giải Nhì được trao cho 2 nội dung nghiên cứu: “Ảnh hưởng của tốc độ đùn ép đến tính chất của tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép” của các tác giả ThS. Đoàn Thị Thu Lương, ThS. Lê Thuận An, KS. Đặng Đức Trung – Viện chuyên ngành Bê tông (IBST); “Phương pháp lý thuyết độ tin cậy xác định hệ số mô hình cọc khoan nhồi trong điều kiện địa chất Việt Nam” của ThS. Bùi Đăng Lương – Viện chuyên ngành Địa kỹ thuật (IBST).
Giải Nhất được trao cho nhóm tác giả: ThS. Trần Phương, KS. Nguyễn Phương Tùng, TS. Đỗ Tiến Thịnh – Viện Chuyên ngành Kết cấu Công trình Xây dựng (IBST) với nội dung: “Nghiên cứu khả năng chịu cắt của dầm cao UHPC”.
Nguồn:https://baoxaydung.com.vn/