TRIỂN VỌNG SÁNG CHO NGÀNH XÂY DỰNG – VẬT LIỆU XÂY DỰNG NĂM 2022
Theo đánh giá của Vietnam Report, mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch Covid-19, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra, phần lớn DN trong ngành đều lạc quan về triển vọng của ngành trong năm 2022 đối với tất cả các phân khúc.
Tín hiệu tích cực đến ngay từ những tháng đầu năm khi backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) của các DN đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam là điểm sáng đối với mảng xây dựng công nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD; tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD. Đây là mức cao nhất so với quý I của các năm giai đoạn 2018-2022. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây đã và đang tạo ra những xung lực mới cho các DN trong ngành phục hồi và tăng tốc.
Theo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sẽ có tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. Cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 50.000 tỷ đồng-mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các DN xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm DN thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. Song song với đó, môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Gần đây Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 2/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, tạo thành trợ lực giúp các DN trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan, khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, ngành xây dựng-vật liệu xây dựng vẫn còn tồn tại không ít thách thức. Thực tế cho thấy, năm vừa qua, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, theo nhận định của phần lớn DN và chuyên gia trong ngành, áp lực lạm phát rất lớn bởi: nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại khi đại dịch dần được kiểm soát và kết thúc; giá hàng hóa thế giới tăng nhanh đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do chi phí vận tải gia tăng. Dragon Capital dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị Nga-Ukraine gần đây đã có nhiều tác động đến thị trường toàn cầu, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới ngành xây dựng-vật liệu xây dựng Việt Nam thông qua nhiều kênh như diễn biến giá dầu và giá thép thế giới… Dẫu vậy, có thể kỳ vọng, với những bước tiến mới trong thỏa thuận đàm phán thời gian tới, căng thẳng sẽ hạ nhiệt và thị trường sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện cho DN an tâm sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các DN cần tập trung vào 6 ưu tiên: tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; tăng cường hợp tác đầu tư; đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số và tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. 4/6 ưu tiên trên nằm trong nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi của DN (quản trị rủi ro, quản trị tài chính và quản trị nhân sự) sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho DN trong gian đoạn mới.
Song song với cải thiện năng lực phục hồi, các DN cũng cần nắm bắt và khai thác có hiệu quả những xu hướng kinh doanh mới, nhất là những xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch, một trong số đó chính là xây dựng bền vững. Theo đánh giá của các DN, hoạt động xây dựng bền vững đang từng bước tiệm cận với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị, trong đó tập trung vào các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra tiến bộ trong đời sống xã hội, nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo ra lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai.
Ngoài ra, xu hướng xây dựng bền vững vốn là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của DN nhiều năm gần đây. Khoảng 69,2% số DN tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường đã ảnh hưởng đến việc giành được hợp đồng/đơn hàng hoặc thắng thầu của họ. Theo đó, các DN lớn trong ngành đã và đang áp dụng mô hình xây dựng xanh theo các tiêu chuẩn gắt gao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vận hành các khâu khép kín, tuần hoàn để tạo ra thế mạnh cạnh tranh và tạo ra giá trị cho khách hàng nói riêng và cho xã hội nói chung. Để đạt được mục tiêu bền vững, 2 ưu tiên được phần lớn DN trong ngành lựa chọn là sử dụng công nghệ mới (75,9%) và đưa nguồn cung ứng bền vững vào chuỗi cung ứng (58,6%).
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/