Công trình xây dựng là gì? Phân loại các công trình xây dựng?
Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ngày nay công trình xây dựng ngày càng trở nên phổ biến, gắn liền và phục vụ các nhu cầu của con người, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết chúng ta chỉ hiểu về công trình xây dựng theo cách hiểu cơ bản đó là nhà, đường xá, siêu thị, trường học, bệnh viện, văn phòng,.... mà chưa có cách hiểu về công trình xây dựng, phân loại công trình xây dựng chuẩn theo quy định của pháp luật. Bài viết sau đây, Đông Nam Construction gửi đến bạn đọc những nội dung về xây dựng là gì? Công trình xây dựng là gì? Kinh tế xây dựng là gì? Phân loại công trình xây dựng? Công trình được miễn giấy phép xây dựng? Mời các bạn cùng theo dõi.
1. Xây dựng là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi công trình xây dựng là gì, ta cần hiểu rõ xây dựng là gì.
Xây dựng trong tiếng Anh là “Construction” được hiểu là một quy trình thiết kế và thi công để tạo nên các cơ sở hạ tầng hoặc nhà ở, công trình phục vụ cho các nhu cầu sử dụng của các chủ thể. Cùng hoạt động và phát triển trong nền kinh tế, tuy nhiên hoạt động xây dựng có những điểm khác biệt so với hoạt động sản xuất thể hiện ở chỗ sản xuất tạo một lượng lớn sản phẩm với những chi tiết giống nhau, còn những sản phẩm của xây dựng lại chính là sản phẩm tại những địa điểm dành cho từng chủ thể là những đối tượng khách hàng riêng biệt.
Theo quy định tại khoản 21, Điều 3, Luật xây dựng năm 2014 thì hoạt động xây dựng được hiểu là: “Hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lí dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.”
Từ quy định trên có thể hiểu hoạt động xây dựng là toàn bộ quá trình xây dựng từ việc bắt đầu lên kế hoạch, thiết kế, lập dự toán và thi công tới khi dự án hoàn tất và sẵn sàng đưa vào sử dụng, đây là chuỗi hoạt động kế tiếp nhau tuân theo một trình tự, thủ tục nhất định khi triển khai thực hiện trên thực tế.
Mặc dù xây dựng thường được coi hoạt động riêng lẻ nhưng trên thực tế, hoạt động xây dựng là thành quả của quá trình kết hợp rất nhiều nhân tố với cơ chế phân định trách nhiệm chi tiết trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, nhà quản lý dự án sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm quản lý công việc chung, tiếp đến là chủ đầu tư, nhà thầu, kỹ sư tư vấn thiết kế, kỹ sư thi công, kiến trúc sư, tư vấn giám sát…có trách nhiệm triển khai, điều hành, thực hiện giám sát hoạt động của dự án.
Để đảm bảo kết quả cho hoạt động xây dựng khi triển khai thực hiện trên thực tế, cần thiết phải có kế hoạch xây dựng phù hợp, thể hiện ở việc thiết kế và thi công đảm bảo thích hợp với vị trí xây dựng đồng thời phù hợp với ngân sách được đưa ra trong dự toán; tổ chức thi công hợp lý, thuận tiện cho việc chuyên chở, lưu trữ, bảo quản vật liệu, thiết bị xây dựng; bảo đảm được các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới cộng đồng,... đây được xem là những yếu tố góp phần đem đến thành công cho dự án xây dựng.
2. Khái niệm kinh tế xây dựng?
Khi đề cập đến kinh tế chúng ta thường hình dung đến giá trị, con số, lợi nhuận. Tuy nhiên khi kinh tế kết hợp với xây dựng thì kinh tế xây dựng là gì? Hiểu một cách chính xác, kinh tế xây dựng là một chuyên ngành chuyên sâu của lĩnh vực xây dựng, kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng. Những công việc cụ thể của ngành này được kể đến như tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình; định giá và quản lý chi phí trong xây dựng;…
Kinh tế xây dựng được coi là ngành chủ đạo trong hệ thống các môn học trong ngành xây dựng. Đây là môn đánh giá tổng quan được các mặt liên quan đến xây dựng và được coi là thước đo trong việc phát triển kinh tế xã hội.
3. Khái niệm đúng nhất về “công trình xây dựng”?
Công trình xây dựng là gì?
Theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 1 Luật Xây dựng năm 2020 thì công trình xây dựng có nghĩa là: “10. Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.”;”
Theo quy định trên, công trình xây dựng là sản phẩm của ngành xây dựng, do con người sử dụng sức lao động kết hợp vật liệu, thiết bị xây dựng để tạo thành dựa trên thiết kế có sẵn. Đó chính là công trình nhà ở, chung cư, trung tâm mua sắm, đường xá, cầu, bệnh viện, trường học,... tất cả được gọi chung là công trình xây dựng.
4. Phân loại công trình xây dựng
Hiện nay công trình xây dựng được phân loại theo công năng sử dụng theo quy định tại Phụ lục 1, Phân loại công trình theo công năng sử dụng Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, công trình công cộng gồm có:
4.1. Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng (công trình dân dụng)
Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng (công trình dân dụng) là công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác (có thể là một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình) phục vụ cho các hoạt động, nhu cầu của con người như ở; học tập, giảng dạy; làm việc; kinh doanh; tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao; tập trung đông người; ăn uống, vui chơi, giải trí, thăm quan; xem hoặc thưởng thức các loại hình nghệ thuật, biểu diễn, thi đấu thể thao; trao đổi, tiếp nhận thông tin, bưu phẩm; khám bệnh, chữa bệnh; tôn giáo, tín ngưỡng; và các công trình cung cấp các dịch vụ, nhu cầu khác của con người, bao gồm:
4.1.1. Công trình nhà ở: Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác; nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác.
4.1.2. Công trình công cộng:
a) Công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu:
- Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình sử dụng cho mục đích giáo dục, đào tạo, nghiên cứu trong các cơ sở sau: Nhà trẻ, trường mẫu giáo; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường có nhiều cấp học; trường đại học và cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp; trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ và các loại trường hoặc trung tâm đào tạo khác;
- Trạm khí tượng thủy văn, trạm nghiên cứu địa chấn, cơ sở nghiên cứu vũ trụ; các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác.
b) Công trình y tế:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình sử dụng cho mục đích khám chữa bệnh trong các cơ sở sau: Bệnh viện, phòng khám (đa khoa hoặc chuyên khoa); trạm y tế; nhà hộ sinh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, dưỡng lão; cơ sở phòng chống dịch bệnh; cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế; các cơ sở y tế khác.
c) Công trình thể thao:
Sân vận động; nhà thi đấu; sân tập luyện, thi đấu các môn thể thao như: gôn, bóng đá, tennis, bóng chuyền, bóng rổ và các môn thể thao khác; bể bơi.
d) Công trình văn hóa:
Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường; các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; công trình có tính biểu trưng, nghệ thuật (tượng đài ngoài trời, cổng chào,...), công trình vui chơi, giải trí; các công trình văn hóa khác.
đ) Công trình tôn giáo, tín ngưỡng:
- Công trình tôn giáo: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; tượng đài, bia, tháp và các công trình tôn giáo khác;
- Công trình tín ngưỡng: Đình, đền, am, miếu, từ đường (nhà thờ họ) và các công trình tín ngưỡng khác.
e) Công trình thương mại: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng; nhà hàng, cửa hàng ăn uống, giải khát và các công trình thương mại khác.
g) Công trình dịch vụ:
- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; cơ sở nghỉ dưỡng; biệt thự lưu trú, căn hộ lưu trú và các cơ sở dịch vụ lưu trú khác;
- Biển quảng cáo đứng độc lập; bưu điện, bưu cục, cơ sở cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông khác.
h) Công trình trụ sở, văn phòng làm việc:
- Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
- Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác;
- Các tòa nhà sử dụng làm văn phòng kết hợp lưu trú.
i) Các tòa nhà, kết cấu khác sử dụng đa năng hoặc hỗn hợp khác.
Ví dụ: Tòa nhà bố trí công năng theo tầng cao để sử dụng làm chung cư, khách sạn và văn phòng thì thuộc loại công trình hỗn hợp.
k) Các tòa nhà hoặc kết cấu khác được xây dựng phục vụ dân sinh.
4.1.3. Cổng, tường rào, nhà bảo vệ và kết cấu nhỏ lẻ khác phục vụ cho mục đích dân dụng.
4.2. Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp (công trình công nghiệp)
Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp (công trình công nghiệp) là các công trình kết cấu dạng nhà (nhà công nghiệp) hoặc các hệ kết cấu khác sử dụng cho việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng phục vụ nhu cầu của con người và các ngành kinh tế, bao gồm:
4.2.1. Công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Mỏ khai thác nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng (cát, đá, sét, và các nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng khác); nhà máy sản xuất xi măng; trạm nghiền xi măng hoặc các công trình đơn lẻ khác trong dây chuyền sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng; các công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng khác (các loại cấu kiện bê tông, gạch xi măng cốt liệu, gạch đất sét nung và các loại viên xây khác, sản phẩm ốp, lát, sứ vệ sinh, kính và các sản phẩm từ kính, các sản phẩm từ gỗ và các sản phẩm khác).
4.2.2. Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy luyện kim mầu; nhà máy luyện, cán thép; nhà máy chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp; nhà máy chế tạo máy công cụ và thiết bị công nghiệp; nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ; nhà máy chế tạo máy xây dựng; nhà máy chế tạo thiết bị toàn bộ; nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, tàu thủy,...); nhà máy chế tạo thiết bị điện, thiết bị cơ cho công nghiệp điện tử, điện lạnh; nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí cho các ngành công nghiệp khác (công nghiệp hỗ trợ).
4.2.3. Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Mỏ than hầm lò, mỏ than lộ thiên; nhà máy sàng tuyển, chế biến than; nhà máy chế biến khoáng sản; mỏ quặng hầm lò, mỏ quặng lộ thiên; nhà máy tuyển, làm giàu quặng (bao gồm cả tuyển quặng bô xít); công trình sản xuất alumin.
4.2.4. Công trình dầu khí:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Giàn khai thác, công trình phục vụ hoạt động khai thác, xử lý dầu khí; nhà máy lọc, hóa dầu; nhà máy chế biến khí; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học; kho chứa dầu thô, xăng dầu; kho chứa khí hóa lỏng, trạm chiết khí hóa lỏng, phân phối khí; tuyến ống dẫn khí, dầu; nhà máy sản xuất dầu nhờn; nhà máy tái chế dầu thải.
4.2.5. Công trình năng lượng:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy thủy điện (không bao gồm các công trình đầu mối), nhiệt điện, điện nguyên tử; điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện thủy triều, điện rác (không bao gồm khu xử lý chất thải rắn), điện sinh khối; điện khí biogas; điện đồng phát; nhà máy cấp nhiệt, cấp hơi, cấp khí nén; đường dây truyền tải điện và trạm biến áp; cơ sở cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho các phương tiện giao thông và sử dụng cá nhân.
4.2.6. Công trình hóa chất:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sản xuất, kho chứa, trạm chiết nạp các sản phẩm sau: phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa được, hóa mỹ phẩm và hóa chất khác; nguồn điện hóa học (pin, ắc quy, que hàn,...); khí công nghiệp; cao su (săm, lốp, băng tải, cao su kỹ thuật,...); chất tẩy rửa (kem giặt, nước giặt, bột giặt, nước gội đầu, nước/chất tẩy rửa, xà phòng,…); sơn, mực in các loại; nguyên liệu nhựa (alkyd, acrylic,...); nguyên liệu mỏ hóa chất (tuyển quặng apatit); vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ công nghiệp.
4.2.7. Công trình công nghiệp nhẹ:
a) Thực phẩm:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, kho chứa các sản phẩm sữa; bánh kẹo, mỳ ăn liền; dầu ăn, hương liệu; đồ uống (rượu, bia, nước giải khát,...).
b) Sản phẩm tiêu dùng:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau sản xuất, chế biến, đóng gói, lắp ráp, chế tạo, kho chứa các sản phẩm và thực hiện các công việc có liên quan sau: xơ sợi; dệt; in, nhuộm (ngành dệt, may); sản phẩm may; thuộc da và các sản phẩm từ da; nhựa; đồ sành sứ, thủy tinh; bột giấy và giấy; thuốc lá; đồ điện tử (ti vi, máy tính, điện thoại...), điện lạnh (điều hòa, tủ lạnh,...); linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử (mạch in điện tử, IC và các sản phẩm tương đương); thuốc và vật tư y tế; các sản phẩm tiêu dùng khác.
c) Sản phẩm nông, thủy và hải sản:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau sản xuất, chế biến, đóng gói, kho chứa các sản phẩm và thực hiện các công việc có liên quan sau: thủy hải sản; đồ hộp; xay xát, lau bóng gạo; các sản phẩm nông sản khác.
4.2.8. Các công trình khác phục vụ mục đích sản xuất công nghiệp.
4.3. Công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật)
Công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho việc khai thác, sản xuất và cung cấp nước; lưu trữ, xử lý nước và thoát nước thải; lưu trữ, xử lý các loại chất thải rắn; chiếu sáng các khu vực công cộng; chôn cất, hỏa táng, cử hành tang lễ; truyền tải thông tin; duy trì cảnh quan đô thị; cung cấp các chỗ đỗ xe công cộng, bao gồm:
4.3.1. Công trình cấp nước:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà máy nước, công trình xử lý nước sạch (kể cả xử lý bùn cặn); trạm bơm (nước thô, nước sạch hoặc tăng áp); các loại bể (tháp) chứa nước sạch; tuyến ống cấp nước (nước thô hoặc nước sạch).
4.3.2. Công trình thoát nước:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Hồ điều hòa; trạm bơm nước mưa; công trình xử lý nước thải; trạm bơm nước thải; công trình xử lý bùn; các loại bể chứa nước mưa, nước thải; tuyến cống thoát nước mưa, cống chung; tuyến cống thoát nước thải.
4.3.3. Công trình xử lý chất thải rắn:
a) Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở xử lý chất thải rắn thông thường bao gồm: Trạm trung chuyển; bãi chôn lấp rác; khu liên hợp xử lý/khu xử lý; cơ sở xử lý chất thải rắn;
b) Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
4.3.4. Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình trong các cơ sở sau:
a) Công trình chiếu sáng công cộng (hệ thống chiếu sáng công cộng, cột đèn);
b) Công viên cây xanh;
c) Nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng;
d) Nhà để xe ô tô (ngầm và nổi); sân bãi để xe ô tô, xe máy móc, thiết bị.
4.3.5. Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sau: Nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
4.3.6. Cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác sử dụng cho cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật.
4.4. Công trình phục vụ giao thông vận tải (công trình giao thông)
Công trình kết cấu dạng cầu, đường, hầm hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho giao thông vận tải; điều tiết, điều phối các hoạt động giao thông vận tải; bao gồm:
4.4.1. Công trình đường bộ: Đường ô tô cao tốc; đường ô tô; đường trong đô thị; đường nông thôn.
4.4.2. Bến phà, bến xe; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ.
4.4.3. Công trình đường sắt:
a) Đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm/Metro); đường sắt quốc gia; đường sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương;
b) Ga hành khách, ga hàng hóa; ga deport; các kết cấu rào chắn, biển báo phục vụ giao thông.
Chú thích: Công trình sản xuất, đóng mới phương tiện đường sắt (đầu máy, toa tàu) thuộc loại công trình phục vụ sản xuất công nghiệp - Mục II Phụ lục này.
4.4.4. Công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.
4.4.5. Công trình hầm: Hầm tàu điện ngầm, hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ.
4.4.6. Công trình đường thủy nội địa, hàng hải:
a) Công trình đường thủy nội địa: Cảng, bến thủy nội địa; bến phà, âu tàu; công trình sửa chữa phương tiện thủy nội địa (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng đường thủy (trên sông, hồ, vịnh và đường ra đảo, trên kênh đào); các khu vực neo đậu; công trình chỉnh trị (hướng dòng/bảo vệ bờ).
b) Công trình hàng hải: Bến, cảng biển; bến phà; âu tàu; công trình sửa chữa tàu biển (bến, ụ, triền, đà, sàn nâng,...); luồng hàng hải; các khu vực, các công trình neo đậu; công trình chỉnh trị (đê chắn sóng/chắn cát, kè hướng dòng/bảo vệ bờ).
c) Các công trình đường thủy nội địa, hàng hải khác: Hệ thống phao báo hiệu hàng hải trên sông, trên biển; đèn biển; đăng tiêu; công trình chỉnh trị, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ; hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS) và các công trình hàng hải khác.
4.4.7. Công trình hàng không: Khu bay (bao gồm cả các công trình đảm bảo bay); nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu kỹ thuật máy bay (hangar), kho hàng hóa,...
4.4.8. Tuyến cáp treo và nhà ga để vận chuyển người và hàng hóa.
4.4.9. Cảng cạn.
4.4.10. Các công trình khác như: trạm cân, cống, bể, hào, hầm, tuy nen kỹ thuật và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải.
4.5. Công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn)
Công trình có kết cấu dạng đập, đê, kè, kênh, mương hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho các công tác thủy lợi; chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn khác, bao gồm:
4.5.1. Công trình thủy lợi: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết trên sông, suối,...); tràn xả lũ; cống lấy nước, cống tiêu nước, cống xả nước; kênh, đường ống dẫn nước; đường hầm thủy công; trạm bơm tưới - tiêu và công trình thủy lợi khác.
4.5.2. Công trình đê điều: đê sông; đê biển và các công trình trên đê, trong đê và dưới đê.
4.5.3. Một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình trong các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
4.6.Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh (công trình quốc phòng, an ninh)
Công trình có kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chi tiết về loại công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.
5. Các loại công trình được miễn giấy phép xây dựng?
Theo quy định tại khoản 17, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014 thì Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Nghĩa là trong trường hợp công trình cần phải có giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư chỉ được khởi công xây dựng khi công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép mà không được tự do tiến hành hoạt động xây dựng. Giấy phép xây dựng là giấy tờ pháp lý chứng minh tính hợp pháp về việc xây dựng công trình vì vậy chủ đầu tư cần hết sức lưu ý và tuân thủ áp dụng đúng các quy định của pháp luật cho khi xây dựng công trình.
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bởi khoản 30, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi 2020) thì những công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:
- Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
- Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
- Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
- Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
- Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
- Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.
Như vậy, ngoài các công trình được miễn Giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Xây Dựng năm 2014 thì trước khi khởi công xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình Chủ đầu tư bắt buộc phải tiến hành xin Giấy phép xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được tiến hành khởi công khi công trình đã được cấp Giấy phép xây dựng.
Trên đây là thông tin về khái niệm, phân loại công trình xây dựng mà Đông Nam Construction gửi đến bạn đọc, hi vọng bài viết có thể đem đến nhiều thông tin hữu ích hỗ trợ bạn. Cần hỗ trợ nhu cầu xây dựng, bạn hãy liên hệ 0903947747 để nhận được hỗ trợ chi tiết nhất.