Công trình công cộng là gì? Phân loại công trình công cộng
Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu về đời sống xã hội cũng ngày một cao, các công trình công cộng vì vậy cũng được chú trọng đầu tư và quan tâm phát triển. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp và hầu hết người dân đều sử dụng các công trình công cộng để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu chính xác và đầy đủ về công trình công cộng. Bài viết sau đây, Đông Nam Construction sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin chi tiết về khái niệm, phân loại và lợi ích của công trình công cộng.
1. Công trình công cộng là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm công trình công cộng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bản chất các công trình công cộng có thể hiểu công trình công cộng là công trình được cơ quan nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hay sử dụng nguồn vay của Chính Phủ để xây dựng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong và ngoài nước không sử dụng vốn ngân sách cũng có thể tham gia đóng góp xây dựng dự án. Công trình công cộng có tên tiếng anh là Public Works, bao gồm tổng thể các công trình xây dựng, các hệ thống dịch vụ phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho đời sống dân cư ở các điểm quần cư đô thị và nông thôn như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt, các công trình dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục, công viên hệ thống khách sạn nhà nghỉ.
Qua khái niệm công trình công cộng là gì? ở trên, có thể hiểu đây là dạng công trình sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng nhằm đáp ứng mục đích kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, xã hội,... theo chính sách của nhà nước.
2. Phân loại công trình công cộng
Công trình công cộng có rất nhiều loại khác nhau trên thực tế, vậy hiện nay pháp luật quy định về việc phân loại công trình công cộng ở văn bản pháp lý nào và công trình công cộng có những loại nào?
Theo quy định tại Mục I Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình công cộng bao gồm các loại sau:
Một là, công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu:
- Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình sử dụng cho mục đích giáo dục, đào tạo, nghiên cứu trong các cơ sở sau: Nhà trẻ, trường mẫu giáo; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường có nhiều cấp học; trường đại học và cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp; trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ và các loại trường hoặc trung tâm đào tạo khác;
- Trạm khí tượng thủy văn, trạm nghiên cứu địa chấn, cơ sở nghiên cứu vũ trụ; các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành khác.
Theo đó các công trình công cộng này nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu giáo dục, đào tạo, nghiên cứu.
Hai là, công trình y tế, được sử dụng cho các mục đích y tế như khám chữa bệnh, nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế, bao gồm:
Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình sử dụng cho mục đích khám chữa bệnh trong các cơ sở sau: Bệnh viện, phòng khám (đa khoa hoặc chuyên khoa); trạm y tế; nhà hộ sinh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, dưỡng lão; cơ sở phòng chống dịch bệnh; cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế; các cơ sở y tế khác.
Ba là, công trình thể thao, nhằm mục đích hỗ trợ nhu cầu thi đấu, luyện tập thể thao với đa dạng bộ môn khác nhau, bao gồm các công trình sau:
Sân vận động; nhà thi đấu; sân tập luyện, thi đấu các môn thể thao như: gôn, bóng đá, tennis, bóng chuyền, bóng rổ và các môn thể thao khác; bể bơi.
Bốn là, công trình văn hóa, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, gồm:
Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường; các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; công trình có tính biểu trưng, nghệ thuật (tượng đài ngoài trời, cổng chào,...), công trình vui chơi, giải trí; các công trình văn hóa khác.
Năm là, công trình tôn giáo, tín ngưỡng:
- Công trình tôn giáo: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường; trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; tượng đài, bia, tháp và các công trình tôn giáo khác;
- Công trình tín ngưỡng: Đình, đền, am, miếu, từ đường (nhà thờ họ) và các công trình tín ngưỡng khác.
Sáu là, công trình thương mại, là công trình phục vụ cho nhu cầu mua sắm, ăn uống, gồm: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng; nhà hàng, cửa hàng ăn uống, giải khát và các công trình thương mại khác.
Bảy là, công trình dịch vụ:
- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; cơ sở nghỉ dưỡng; biệt thự lưu trú, căn hộ lưu trú và các cơ sở dịch vụ lưu trú khác;
- Biển quảng cáo đứng độc lập; bưu điện, bưu cục, cơ sở cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông khác.
Tám là, công trình trụ sở, văn phòng làm việc:
- Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
- Các tòa nhà sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác;
- Các tòa nhà sử dụng làm văn phòng kết hợp lưu trú.
Chín là, các tòa nhà, kết cấu khác sử dụng đa năng hoặc hỗn hợp khác.
Ví dụ: Tòa nhà bố trí công năng theo tầng cao để sử dụng làm chung cư, khách sạn và văn phòng thì thuộc loại công trình hỗn hợp.
Mười là, các tòa nhà hoặc kết cấu khác được xây dựng phục vụ dân sinh.
Từ quy định về phân loại công trình công cộng có thể thấy các công trình công cộng hiện nay được phân loại theo từng công năng sử dụng và bao hàm hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, mục đích hướng đến là hỗ trợ kịp thời tất cả nhu cầu thiết yếu khác nhau của người dân.
3. Lợi ích của công trình công cộng
Công trình công cộng mang đến những lợi ích sau:
- Thứ nhất, phục vụ kịp thời, tối đa nhu cầu thiết yếu của con người vừa giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, vừa nâng cao đời sống tin thần vui chơi giải trí, văn hóa thể thao, tín ngưỡng tôn giáo đến chăm sóc sức khỏe,... có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu thiết yếu của cộng đồng.
- Thứ hai, làm đẹp kiến trúc cảnh quan cho đô thị: công trình công cộng khi được nhà nước hỗ trợ xây dựng góp phần hoàn thiện quy hoạch đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng xã hội của đô thị đó và tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan hợp lý.
- Thứ ba, góp phần phát triển kinh tế, xã hội: khi công trình công cộng hoàn thiện thì các nhu cầu trong xã hội được đáp ứng, tinh thần được thỏa mãn thì năng suất làm việc được vượt trội hơn. Hơn nữa, các công trình càng được đầu tư về quy mô, chất lượng,thẩm mỹ có thể là tiềm lực để thu hút đầu tư trong và ngoài nước từ đó tạo động lực phát triển kinh tế trong vùng và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một ví dụ điển hình là việc các công trình công cộng nổi tiếng ở Việt Nam thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan như: Chùa Một Cột, Nhà Thờ Đức Bà, Bitexco Financial Tower, Thảo Cầm Viên, Dinh Độc Lập,... từ đó tạo cơ hội phát triển cho ngành du lịch nói chung và kinh tế tại từng địa phương nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Có thể thấy công trình công cộng hướng đến hỗ trợ, phục vụ nhu cầu cho cộng đồng, không dành cho cá nhân cụ thể nào. Đây là chính sách của nhà nước nhằm hướng đến phục vụ, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho toàn dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên đây là những chia sẻ của Đông Nam Construction về khái niệm, phân loại, công trình công cộng gửi đến bạn đọc. Hi vọng với những chia sẻ trên, sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích về công trình công cộng.